Nghĩ quanh khi đọc “cao huy thuần người khuân đá”

Đỗ Hồng Ngọc

 

 

Có khi nào nâng một bình trà uống đến giọt cuối cùng tưởng đã cạn sach rồi nhưng đợi một lúc thì trà lại như tự chắt ra thêm mấy giọt rồi lại tươm thêm vài giọt nữa, càng lúc càng đậm đặc càng ngất ngây không?

Đọc Cao Huy Thuần cũng vậy đó. Cứ tưởng anh nói lung tung đầu ngô mình sở đến lúc nghĩ lại mới giật mình. Cho nên đọc Cao Huy Thuần phải chậm rải, phải ‘cảnh giác’ coi anh có giấu giếm cái gì trong mỗi chữ mỗi câu đó không?

Tôi đọc Người Khuân Đá của anh với một thứ cảnh giác cao độ như thế. Cái ông Giáo sư đại học kiêm ‘’thầy giáo làng’’ này tính cái gì đây với Người Khuân Đá nhỉ? Ai khuân, khuân đi đâu, khuân để làm gì? Dã tràng xe cát biển đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì ư? Sao biết? Chỉ có dã tràng mới biết. Cũng như chỉ có Phật với Phật mới biết nhau, không cần phải nói ra lời. Ông Bồ-tát Duy Ma Cật làm thinh, tưởng bí, mà Văn Thù vỗ tay ca ngợi hết lời. Cái sự làm thinh đó mới đáng sợ. Dã tràng có nói gì đâu. Thiên  hà ngôn tai. Ai biết Dã tràng kia đã làm cái trò gì, xe cát hẳn phải có lý do gì chớ, cũng như con bọ hung kia hùng hục chui vào đống phân trâu bò vo tròn từng cục lớn cục nhỏ, hì hục lăn về ổ là để chuẩn bị thức ăn cho vợ đẻ con đó thôi. Nó vậy là nó vậy. Cứ hỏi Như Lai thì biết.

Tự dưng một ông giáo hơn 80 tuổi đầu, bỗng cao hứng nói về tình yêu, về hạnh phúc, về cái chết về lẽ sống... và về Phật pháp chẳng đáng đọc sao?

Và ông ‘’nói’’ gì về Tình yêu? Ông khẳng định tình yêu là tương quan: cái này sinh thì cái kia sinh. ‘’Đó là bước đầu. Bước thứ hai: hãy mất cái ‘’tôi’’ đi, vì ‘’tôi’’ đã nằm trong tương quan’’ (tr 48). Ý ông muốn nói duyên sinh, nói vô ngã đó thôi. Dĩ nhiên rồi. Tình yêu mà đến cao trào thì đâu còn cái ngã nào nữa! Thây kệ thiên đường và địa ngục/ Không hề mặc cả họ yêu nhau. Ghê chưa? Ấy là Cao Huy Thuần trích Huy Cận.

‘’Ôi vui! Ôi hạnh phúc! Ôi ngất ngây! Trong một phút, trong một giây, ta quên ta, tôi quên tôi, tôi ra khỏi tôi, tôi mất tôi...”. Ai vậy? Cao Huy Thuần đó. Nhưng, nói vậy mà không phải vậy. Ông đang nói về trạng thái vô ngã, niết bàn tịch diệt.

Tỉnh lại, ông can: Đâu hề có một tình yêu sung sướng!

Có tình yêu nào mà không đau khổ

Có tình yêu nào mà chẳng xót xa

Thì ra vậy. Ông dẫn bằng một bài thơ của Aragon. ’’Il n’y a pas d’amour heureux’’  (tr 49)

Rồi ông mượn cả Platon, Aristote, Spinoza... Rồi kết: tình yêu cần phải ‘’thiếu’’ mới hạnh phúc. Hèn chi mà Mỹ nói: I miss you nghĩa là I love you! ‘’Phải nhìn thấy cái khổ của thiếu để biết hạnh phúc của cái đủ (tr 54). Thì ra ‘’khổ, tập, diệt, đạo’’ đó mà!

Ông nói về cái chết. Khi chết đến (tr 70): “... chỉ ở đây thôi. Sẵn sàng gặp bất cứ cái gì kế tiếp, không mong chờ, không thiên kiến, không định kiến. Chỉ hỏi: cái gì đây? Cái gì đây? Kỳ lạ thế?’’ “Tôi nhìn mọi vật và thời gian chẳng qua chỉ là một ý nghĩ’’. Phải, một niệm.

Cao Huy Thuần đọc thơ cả với Freud (tr 76 ). Hình như ông ráng moi bên dưới tiềm thức của Freud còn có cái gì khác nữa không? Có đó. A-lại-gia-thức hay Tàng thức đó. Chỉ cần A-lại-gia thức chuyển thành Đại viên cảnh trí hay Nhất thiết chủng trí thì xong... Mạt-na thức lúc đó đã chuyển thành Bình đẳng tánh trí, không cần phải đắn đo, toan tính, phân biệt chi nữa!

Nhưng trước hết, có lẽ nên nghiền ngẫm thử cái bìa sách. Ông vẽ một con bướm phấp phớp cánh bay, và viết cùng một font, một size: cao huy thuần người khuân đá. Rõ ràng ông cố ý nói Cao Huy Thuần vốn là một người khuân đá... suốt cả đời! Khuân để làm gì vậy anh Cao? Thì ra để tìm hạnh phúc. Như Sisyphe hạnh phúc (tr 342), từ Le mythe de Sisyphe của Camus. Không phải bỗng dưng ông nhớ Camus đâu. Câu hỏi đó ông hỏi hồi còn trẻ, còn say sưa với ‘’hiện sinh’’ của Sartre, của Camus lận. Nhưng bây giờ ’’lúc xế chiều, câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời thường lảng vảng trong đầu’’. Khuân đá lên rồi khuân đá xuống, cứ mãi vậy cho đến chết, có phi lý không cơ chứ? Rồi Camus nói ‘’phải tưởng tượng Sisyphe sung sướng’’ (tr 343). Tại sao lại phải tưởng tượng? Chắc chắn là sung sướng quá rồi đó chớ, chẳng qua vì không ‘’thấy biết’’ (tri kiến) đó thôi: ‘’Thanh tịnh bản nhiên/ Tùy chúng sanh tâm/ Chu biến pháp giới/ Tùng nghiệp phát hiện’’ mà. Mắc mớ gì ông Camus phải thắc mắc nọ kia.

“Sisyphe là thân phận của chúng ta: Chính chúng ta vác trên vai gánh nặng của cuộc đời, lên núi, xuống núi, lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, xuân nọ đến xuân kia, rồi chết’’ (tr 345). Camus viết: Cứ khinh bỉ nó, số phận nào cũng thua’’. Sisyphe khinh bỉ cái số phận của anh ta. Và chiến thắng. Nếu anh ta biết nghiệp báo, luân hồi, duyên khởi, vô thường, vô ngã... thì mọi chuyện đã khác mà không cần phải ‘’khinh bỉ cái số phận’’ để thấy mình ‘’chiến thắng’’ kiểu AQ.

Nhưng bởi Cao Huy Thuần không phải là Camus. Anh là một người học Phật, một người hành thiền. Anh biết Vô minh, anh biết Ái, Thủ, Hữu... tại sao, thế nào, nên anh... thoát: “Tôi không đối kháng tôi với cuộc đời. Tôi không vướng bận gì với Thượng đế như Camus” ông nói. ‘’Không còn ý thức về vô lý nữa mà ý thức về vô thường’’(tr 355). Và ý thức về vô thường cũng có nghĩa là ý thức về vô ngã. Niết bàn ở đó. Sisyphe cứ khuân đá, vừa đi vừa thở vào thì biết mình thở vào, thở ra thì biết mình thở ra. Một người thiền hành. Một khi ’’Sisyphe cứ bước như một người thiền hành’’ (tr 355) thì Sisyphe hết càu nhàu, Sisyphe trở nên tếu. Cười chứ. ‘’Để lại thiên thu hình dáng nụ cười’’ (Trịnh Công Sơn) mà! Nụ cười này không phải giả bộ cười, ráng cười, gượng cười, mà là cái cười từ trong từng tế bào cơ thể! Bây giờ nhiều tượng Phật ráng cười, toe toét cười đầy giả tạo... Không phải vậy đâu. Cái cười đó phải từ bên trong. Từ trong Từ bi hỷ xả. Từ trong ở đây và bây giờ. Từ trong hạnh phúc, an lạc.

Và đến một lúc, con nhộng hóa bướm. Lúc nhộng nằm trong kén, thì cứ nhả tơ đi. Rồi khi nhộng hóa bướm thì cứ nhởn nhơ bay lượn cùng trời xanh nắng ấm đi.

Cho nên ‘’cao huy thuần người khuân đá’’ bỗng bay lượn như cánh bướm. Ấy là lý do cái bìa  bí hiểm của anh.

Trong “Khoảnh khắc và vô tận” (tr 117) ông dẫn Nietzsche: “Tình yêu không muốn một quãng thời gian, nó muốn khoảnh khắc và vô tận’’. Và đây là một câu rất hay của Cao Huy Thuần, một câu như thơ: “Tôi thấy vô tận trong khoảnh khắc muốn khóc ấy”. Có không một khoảnh khắc muốn khóc ấy? Có đó. Nó chính là một sát-na của Phật. Nơi không có thời gian lẫn không gian. Một sát-na là một khoảnh khắc? Hay là vô tận? Hay vừa khoảnh khắc vừa vô tận. Phải ‘sống’ trong sát-na đó thì mới biết.

Như đã nói, tôi rất  “cảnh giác” khi đọc Cao Huy Thuần. Chắc chắn không phải tình cờ mà anh đưa bài Bếp xưa (tr 14) làm bài mở đầu cho tập sách này và để kết thúc với bài “Sisyphe hạnh phúc” (tr 342) sau khi vác đá lên đồi xuống đèo suốt cả một đời người. Hóa ra có một đường dây. Đường dây nối từ quá khứ đến hiện tại đến tương lai của một kiếp người.

ĐHN.

(Saigon 4.2018)

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 17-4-18