Lời hứa đầu năm

 

Đặng Phuơng Lan

 

Trên thế giới có lẽ mỗi nước có một tục lệ đón chào năm mới riêng. Người dân Hungary ngoài mở rượu sâm-banh còn ăn cháo hạt đậu để có nhiều tiền, đếm không xuể, nhặt không hết, đồng thời kiêng không ăn thịt gà bởi gà sẽ mổ mất may mắn đi, kiêng không ăn cá để may mắn không bơi đi theo cá. Trước lúc giao thừa ai cũng cầm một chiếc kèn rất to thổi để đuổi hết tà ma ám khí ra khỏi nhà .

Ngoài những tục lệ mang tính chất “mê tín” như vậy, những năm gần đây người dân Hung cùng hàng triệụ người trên thế giới có tục lệ tuyên thệ “lời hứa đầu năm” vào ngày mồng một của năm mới. Lời hứa linh thiêng này thường được ghi ra một tờ giấy, lúc giao thừa được đọc to cho những người xung quanh nghe để làm chứng. Từ những điều thường gặp như: bỏ thuốc lá, giảm cân, hoặc tập thể thao, chăm sóc gia đình, đi du lịch…..đến những điều khó khăn hơn như tìm được tình yêu như ý, làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức trong công việc…Để giữ đúng đươc lời hứa linh thiêng, Thomas Crum- một nhà văn đồng thời là một võ sư Aikido nói: “Điều quan trọng nhất là lời hứa phải làm cho bạn hạnh phúc. Đừng nên để lời hứa đầu năm biến thành một trách nhiệm, một cái “nợ” mà bạn muốn mau chóng trút bỏ nó đi. Hãy tự chọn cho mình những cái đích mà khi đạt được, hạnh phúc sẽ đến với bạn”. Nói thì dễ chứ làm thì khó, cũng theo thông kê chỉ có 16% lời hứa linh thiêng đươc toại nguyện.  

Năm nay khi ngồi viết khai bút lời hứa đầu năm cho chính mình, tôi xin chia sẻ với các bạn ba sự kiện năm 2011 vừa qua mà tôi cho rằng đã có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống và suy nghĩ của tôi.  

Chuyện thứ nhất: Đầu năm tôi đi nghe buổi biểu diễn đàn dương cầm của một nghệ sỹ Hungary tên là Erdi Tamás. Anh ấy bị mù bẩm sinh do sinh thiếu tháng và chiếc lồng chạy thở oxy đã phá hỏng hoàn toàn các mạch máu trong đôi mắt anh ta. Năm lên 5 tuổi, khi đang chơi ở nhà bà ngoại, tình cờ Tamás phát hiện ra một chiếc đàn dương cầm cũ kỹ và những âm thanh của nó đã quyết định số phận cho cả cuộc đời anh. Nếu như người châu Á thường tự hào về sự hy sinh của bố mẹ cho con cái thì bố mẹ Tamás thực sự là một tấm gương chăm sóc yêu thương con của người châu Âu. Tuy bị mù cả hai mắt, nhưng anh ấy vẫn có một tuổi thơ vô cùng đẹp đẽ và trong sáng như tất cá các trẻ em khác: đá bóng, cắm trại, nướng thịt, đi bơi, tắm nắng, trượt tuyết… Sau khi giành được hầu hết các giải thưởng đàn dương cầm trong và ngoài nước ở lứa tuổi thiếu nhi ,anh tham gia các kỳ thi quốc tế lớn và năm 17 tuổi đã đoạt giải nhất tại một cuộc thi piano ở  Mát-xcơ-va. Ít lâu sau, Nhạc viện Toronto (Canada) đã đặc cách nhận anh vào học với tấm lòng yêu thương vô bờ bến và sự tận tâm kiên trì hiếm thấy của các giáo sư. Có lẽ chưa từng có môt học viên khiếm thị nào đạt được trình độ như Tamás, bởi để trở thành một nghệ sỹ đàn dương cầm xuất sắc, không những cần năng khiếu đặc biệt mà ở một người khiếm thị như anh còn đòi hỏi sức lao đông kinh khủng cả về thể chất lẫn tinh thần. Mẹ Tamás- vốn là một phát thanh viên truyền hình trong các chương trình thiếu nhi (có lần đã giới thiệu thơ của Trần Đăng Khoa cho thiếu nhi Hungary)- đã từ bỏ tất cả các công việc của mình chỉ để hỗ trợ cho con.

Chắc chắn bà đã phải từng trải qua nhiều giây phút rât khó khăn trong cuộc đời, nhưng Tamás đã không phụ tấm lòng của bố mẹ, thầy cô giáo và rất rất nhiều người hâm mộ anh. Ở độ tuổi 30, anh tham gia biểu diễn với hầu hết các dàn nhạc nổi tiếng tại 23 nước trên thế giới và vinh hạnh được nhận giải thưởng Prima Primissima- giải thưởng cao quý nhất tại Hungary trong lĩnh vực âm nhạc năm 2011.

Erdi Tamás chưa từng nhìn thấy ánh sáng, nhưng anh mang lại ánh sáng cho rất nhiều người. Khi tiếng đàn đầy truyền cảm, trong trẻo không một vết sạn của anh cất lên, tất cả các thính giả như được đưa đến một thế giới khác. Nơi đó không có những tị hiềm, những tranh chấp, những tức giận, lo âu, những vặt vãnh của đời thường mà chỉ còn lại thiên nhiên và tình yêu, tình người. Cùng với những giọt nước măt cứ thế tuôn trào ra, tôi cảm thấy như tâm hồn mình được tẩy rửa, trở nên thanh thoát, suy nghĩ trong đầu về mọi chuyện  thấy rành mach, sáng sủa lạ lùng. Tôi tự hứa sẽ giữ mãi trong lòng mình cái cảm giác thành thiện đó và dù bận mấy cũng sẽ thường xuyên đi nghe các buổi biểu diễn như vậy. 

Chuyên thứ hai: Đó là buổi khai giảng năm học đầu tiên của con trai tôi. Tương tự như ở Việt nam các trường học ở Hung cũng nhận học sinh theo "tuyến” tùy theo em đó đăng ký hộ khẩu thường trú ở đâu. Tuy nhiên quận nào cũng có trường điểm, các em muốn vào các trường này phải qua "tuyền chọn”. Con tôi may mắn được tuyển vào một trong những trường như vậy ở Budapest. Vẫn mang tâm lý của các bố mẹ Việt nam, tôi lo lắng hỏi cô giáo có cần cho con tp đọc, tập viết hoặc học toán trước ở nhà không. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe cô giáo trả lời: "Để trở thành một học sinh giỏi, yếu tố quan trọng nhất là trẻ phải biết tự lập, có sức khỏe tốt và biết tập trung. Thậm chí các em đã đọc thông viết thạo, biết tính toán tốt, nhưng thiếu những yếu tố trên vẫn có thể trở nên những học sinh kém sau này. Các phụ huynh nên giúp các em ở mảng này, còn kiến thức để nhà trường sẽ trang bị cho chúng”.

Mùa thu năm vừa rồi ở châu Âu, do thời  tiết không lạnh nên nắng đẹp, lá vàng, lá đỏ phủ kín mọi lối đi. Buổi lễ khai giảng của nhà trường diễn ra vào lúc 5 giờ chiều trong một không gian như vậy. Đây là một lễ khai giảng đặc biệt vì năm nay nhà trường kỷ niệm ln sinh nhật thứ 100 của mình.. Các học sinh cũ cùng 100 em bắt đầu vào lớp một, mặc đồng phục, đeo cravat in huy hiệu nhà trường cầm tay nhau tiến vào sân trường. Tiếp đó cô giáo hiệu trưởng lên nói chuyện, hỏi các em có nhận ra hai bức ảnh phóng to treo ở sân trường có những điểm gì khác nhau không? Đó là hai bức ảnh chụp ngôi trường này cách nhau đúng 100 năm! Giây phút bế mạc buổi lễ, 100 quả bóng bay đủ các mầu được thả lên từ khắp các ô cửa sổ của trường  trong tiếp reo hò của bọn trẻ. Tôi nhớ mãi hình ảnh những gương mặt tươi tắn, những đôi mắt long lanh của các em đồng loạt dõi theo giàn bóng bay cao trên mái trường rồi xa dần xa dần nên nền trời mùa thu xanh thẳm và thầm hứa sẽ cố gắng làm theo lời dặn của cô giáo. 

Chuyện thứ ba: một câu chuyện buồn xảy ra ở Việt nam. Giữa tháng 12, tuy lạnh, gió và tuyết, tôi đang trong không khí hồ hởi mua sắm cho dip lễ Noel bỗng đọc một tin đang trên báo Vnexpress về vụ một chiếc xe điên đâm gây tai nạn 3 người chết giữa đường phố Sài Gòn”. Tai nạn xe? Ngày nào mà chẳng có. Lái xe uống rượu say xỉn phóng ẩu ư? Ai sống ở Việt nam mà chưa tận mắt thấy chuyện này?  Có những vụ tai nạn hàng chục người chết, bị thương tích nặng… rồi tất cả cũng lui vào quên lãng, mọi chuyện đều trở nên bình thường như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng tôi thực sự giật mình, lạnh gai người khi được tin gia đình của một chị Việt Kiều quen biết ở Hung: bố, em gái và hai cháu trai của chi ấy vừa bị tử nạn ở Việt Nam trong một tai nạn giao thông. Cảm giác về nỗi đau, cái chết bỗng trở nên quá gần, đến hãi hùng chứ không như những giòng tin lạnh lùng  trên báo chí. Mới cách đó vài hôm chị ấy còn kể với tôi sẽ đón em gái cùng cháu trai sang châu Âu chơi trong dịp Tết Việt Nam để mọi người tận mắt nhìn thấy tuyết. Hai chị em thân nhau đến độ tuy ở cách xa nhau hàng chục nghìn cây số, không ngày nào không nói chuyên trao đổi với nhau qua điện thoại. Chị ấy luôn hãnh diện về cô em gái xinh đẹp, thông minh, đảm đang, tháo vát của mình. Tuy chưa hề gặp, chỉ được biết qua ảnh, nhưng nỗi ám ảnh về người con gái ấy làm tôi mất ngủ nhiều đêm. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, đến khi gặp lại chị ấy từ Việt Nam sang, tôi cũng chỉ biết ôm chị khóc mà chẳng nói được gì. Là bác sỹ, tôi từng biết cảm giác bất lực trước những căn bệnh không thể chữa nổi và có những nỗi đau có lẽ chỉ có thời gian mới làm cho nguôi ngoai đi. Chị ấy cứ nói với tôi không biết sẽ phải sống tiếp ra sao. Hôm sau khi đi làm đến phòng khám tiếp xúc với các bệnh nhân, người kêu ca chuyện này, người than phiền chuyện nọ tôi mới nhận thấy rất hiếm người cho rằng mình hạnh phúc. Người sống một mình kêu cô đơn, người có gia đinh kêu nhà cửa chật chôi, người thất nghiệp kêu không có tiền, người đi làm kêu vất vả, người có nhà cửa kêu không có xe, người có xe kêu bực mình căng thẳng vì giao thông… và có thể kể ra không bao giờ hết. Nhiều người cũng vì yếu tố tinh thần mà phát sinh ra bệnh tật. Tôi rất muốn nói với họ rằng khi họ kêu ca như vậy, họ không biết rằng họ đang quá hạnh phúc. Nhưng tôi không thể nói, mà có nói ra cũng chẳng ai tin vì đúng như câu ngạn ngữ: “Con người ta sẽ chỉ biết quý cái gì mình đã đánh mất”.  

Có lẽ đến đây tôi chúc mỗi người trong chúng ta sẽ tìm được lời hứa đầu năm phù hợp với chính bản thân mình, lời hứa mà khi giữ đúng nó, bạn cảm thấy mình hạnh phúc.

 

Bs. Đặng Phương Lan

Budapest 2012-01-15