LÝ VĂN SÂM

và hành trình tìm kiếm nhân vật lý tưởng

Bùi Công Thuấn

 

1. Lý Văn Sâm (1922- 2000) Quê  Bình Long, Huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Con người xã hội của ông có tầm vóc rộng lớn. Ông là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà hoạt động văn hoá sôi nổi, người giữ nhiều trọng trách văn nghệ trong nhiều giai đoạn Cách Mạng ở miền Nam. Tuy nhiên tôi sẽ tập chú vào Lý Văn Sâm , nhà văn, thông qua những sáng tác cuả ông. 

Nhà văn Nguyễn Văn Sâm, nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy (1) đã có những chuyên luận khá công phu về giá trị văn chương cuả Lý Văn Sâm. Cả hai tác giả trên đều khẳng định một vị trí trên văn đàn cho nhà văn họ Lý. Nhưng dường như vẫn còn những băn khoăn, không biết đặt Lý Văn Sâm trên văn đàn nào. Lý Văn Sâm là nhà nhà văn Lãng mạn hay Hiện thực, thuộc thế hệ  trước 1945 hay sau 1945. Lý Văn Sâm thuộc lớp nhà văn kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ. Và dường như chưa tách bạch Lý Văn Sâm nhà văn với nhà chính trị, nhà văn hoá.  

Theo Nguyễn Văn Sâm, thì Lý Văn Sâm là “nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Nam Bộ những năm 1948-1951”. Vũ Tùng thì cho rằng :”Nếu tính từ tác phẩm truyện đường rừng đầu tiên là KònTrô đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào tháng 6/1942. Đến truyện vừa Một Chuyện Oan Cừu viết vào năm 1954, Lý Văn sâm có khoảng 12 năm viết chuyện đường rừng. Điểm đặc biết là ông viết truyện đường rừng vào giai đoạn cuối của thể tài này. Khi trên toàn quốc gần như không còn ai viết truyện đường rừng nữa, nhưng vẫn được độc giả hoan nghênh “(2) 

Nếu chỉ nhận dạng Lý Văn Sâm ở truyện đường rừng, tôi e sẽ ngộ nhận, bởi vì ông cũng viết truyện đồng ruộng (Nước Lên), viết truyện thành phố (Mưa Sàigòn..). Hơn nưã, xét trong cấu trúc tác phẩm, “đường rừng” chỉ là bối cảnh, không phải là yếu tố chính cuả cốt truyện, không phải là yếu tố làm nên chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Phần thành công nhất của Lý Văn Sâm là những truyện tình viết theo bút pháp lãng mạn. Cốt lõi của truyện là câu chuyện tình yêu. Hoàn cảnh diễn ra những câu chuyện tình ấy có thể là đường rừng, là đồng nước, là chiến tranh ly loạn, hay nơi xứ người, Cambuchia (Chiếc Vòng Ngọc Thạch), Lào (Sau Dãy trường Sơn, Sứ Mạng ), Hương Cảng (Kiếp Này Thôi Đã Lỡ). Lý Văn Sâm cũng có những tự truyện  lấy bối cảnh làng quê Đồng Nai (Nắng Bên Kia Làng, Chuyện Thổi Sáo ở Bến Xuân …). Trong 61 truyện ngắn, truyện dài và kịch của Lý Văn Sâm mà tôi đã đọc, ông có 25 chuyện tình lãng mạn; 7 truyện viết về tình cảnh người trí thức nghèo, bế tắc trước thực tại. Ông cũng có những truyện dã sữ, truyện khoa học viễn tưởng (Nợ Nước Thù Nhà), trinh thám (Kiếp Này Thôi Đã Lỡ), và hơn 10 vở kịch (rất ít lấy bối cảnh đường rừng) 

Trước 1945, ông mới chỉ có một số truyện đường rừng, kiểu truyền thuyết như KònTrô, Thần Ngư Động, Xác Mu Mi Trên Núi Đa, Răng Xa Mát… Lý Văn Sâm sáng tác nhiều những năm1947-1954. Nếu xếp ông vào những nhà văn Lãng mạn, thì thời của Tự Lực Văn Đoàn đã qua và ông không sánh được với Nhất linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân là những nhà văn đã có tên tuổi trước đó. Những truyện viết về sự bế tắc cuả người trí thức cuả ông cũng không sánh được với  Nam Cao trước đó. Nếu đặt ông vào văn  đàn  kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì dường như ông lại xa lạ với mạch văn chung lúc bấy giờ viết bằng phương pháp Tả Thực xã Hội chủ Nghiã. Chẳng hạn các truyện Tàn Một Muà Thơ (1947), Qua Bến Lạnh (1947) Thèm Một Ngọn Đèn (1948) Ngoài Mưa lạnh (1949) Ngàn Sau Sông Dịch (1949) Mưa Sài Gòn (1950), Một Chuyện Oan Cừu (1954)…tuy được viết trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp nhưng nhân vật chính cuả Lý Văn Sâm vẫn là những con người trí thức bế tắc, quanh quẩn nợ áo cơm, ngột ngạt, không thoát ra được, mặc dù có “chí lớn”. Nhân vật của ông không phải là công, nông, binh, những con người của thời đại mới. Mãi đến 1979 ông mới viết Chuyện Ấy Đã Qua Rồi (1979) và Người thổi Sáo ở bến Xuân (1991) lấy đề tài, bối cảnh kháng chiến chống Mỹ.  

Quả thực, xác định “một chỗ đứng riêng trên văn đàn “ của Lý Văn Sâm là việc không hề đơn giản chút nào. Lý Văn Sâm là một nhà văn tài năng, điều này đã rõ, bởi vì ông đã có được nhiều tác phẩm hay, sức sáng tạo dồi dào, văn của ông có chất thẩm mỹ riêng. Nhưng tại sao tác phẩm của Lý Văn Sâm không hoà vào dòng chảy chung cuả văn học thời đại? Điều này chỉ có thể lý giải rằng giữa con người chính trị với những nhiệm vụ cách mạng, không đồng nhất với con người nhà văn trong tác phẩm. Xin đơn cử, cuộc kháng chiến chống Pháp, đến năm 1948 đã có những bước thắng lợi (“Tin vui thắng trận dồn chân ngựa” – Tặng Bùi Công -Hồ Chí Minh ), nhưng trong hầu hết tác phẩm của cuả LVS, nhân vật chính lại là người chiến sĩ chiến bại (Sa Mạc, Chiếc Vòng Ngọc Thạch, Người Đi Không Về, Ngày Ra Đi…). Cũng vậy Lý Văn Sâm không có truyện nào viết trực tiếp về cuộc kháng chiến, mà chỉ có những cảnh loạn ly (Lạc Loài, Trong Cơn Ly Loạn). Vở kịch Vàng và truyện Một Chuyện Oan Cừu chẳng có bóng dáng gì là kháng chiến) 

 Tôi nghĩ, việc xác định “một chỗ đứng riêng trên văn đàn “ của LVS không quan trọng lắm mà cần xác lập được Lý Văn Sâm đã có những đóng góp gì cho văn chương Việt Nam, ông có những đặc sắc nghệ thuật gì, có những sáng tạo gì mới mẻ ? Dường như các tác giả đã viết về Lý Văn Sâm chỉ lấy tác phẩm của ông  để minh hoạ cho con người xã hội cuả ông mà không nhìn sáng tạo của ông như một thế giới riêng.  

Thạch Phương nhận định :”Thực ra, đối với những cây bút như Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang thì những tác phẩm của các anh thời kháng chiến chin năm, xuất bản ở Sàigòn, chính là bản án viết sẵn nằm trong sổ đen của bọn mật vụ nhà Ngô, đâu cần phải có chứng cớ mới nữa”(3) Nghiã là Lý Văn Sâm sáng tác để tố cáo tội ác giặc Pháp và chính quyền Ngô đình Diệm tay sai, vì thế tác phẩm của Lý Văn Sâm là chứng cớ để chúng bắt giam Lý Văn Sâm. Nhận định như thế cũng là phủ định những sáng tạo nghệ thuật của Lý Văn Sâm. Điều này sẽ không giải thích được mục đích Lý Văn Sâm viết Vàng, Đường Vào Xứ Phật, Oan Gia, Một Chuyện Oan Cừu. Nếu chỉ lấy việc sáng tác văn chương  phục vụ chính trị làm thước đo giá trị tác phẩm thì cách tiềp cận  như vậy ngày nay không còn phù hợp. Bởi vì khi nhiệm vụ chính trị kết thúc, tác phẩm cũng không còn giá trị. Hơn nữa, với Lý Văn Sâm, tác phẩm của ông không đồng bộ với con người chính trị của ông. Trong hầu hết tác phẩm của Lý Văn Sâm, không có bóng dáng tư tưởng cách mạng, tư tưởng cuả chủ nghiã Marx (ngoại trừ  Vợ Tôi Người Dân Tộc Thiểu Số, thực ra cũng là truyện tình lãng mạn).

2.  Cần phải tiếp cận văn chương Lý Văn Sâm ở những góc độ khác, có vậy mới nhìn ra một nhà văn Lý Văn Sâm như một cá tính sáng tạo độc đáo.

Trước hết, không gian nghệ thuật cuả Lý Văn Sâm tuy trải rộng nhưng đọng lại đậm đặc thiên nhiên Đồng Nai, từ Biên Hoà, đến Túc Trưng, Đinh Quán, La Ngà, Xuân Lộc..Không gian này bao gồm những vùng rừng núi ngày xưa, cả miền quê cuả tác giả, với những truyền thuyết, những sự tích dân gian và những kỷ niệm của tác giả. Vì thế trước hết có thể nói Lý Văn Sâm là nhà văn của Đồng Nai. Lý Văn Sâm có hiểu biết sâu sắc đất nước, con người Đồng Nai cả về lịch sử, văn hoá và đời sống, trong nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Cảnh thiên nhiên Đồng Nai trong trang văn của Lý Văn Sâm đẹp, giàu chất thơ và thắm thiết tình quê hương. Bối cảnh thiên nhiên ấy tạo nên chất lãng mạn của ngòi bút Lý Văn Sâm, cũng là yếu tố làm nên giá trị riêng của Lý Văn Sâm. Nhà văn Đồng Nai hiện nay chưa hẳn đã có thể ghi nhận được những nét đẹp đặc thù thiên nhiên Đồng Nai như Lý Văn Sâm, nếu không nói là khó có thể thay thế Lý Văn Sâm (Xin đọc: Thần Ngư Động, Xác Mu Mi Trên Núi Đá, Mũi Tổ, Chuyện Một Đàn Cò Trắng, Rồng Bay Trên Nóc Gia Nhang, Vợ Tôi Người Dân Tộc Thiểu Số, Chuyện Người thổi sáo ở Bến Xuân ). Người Đồng Nai hôm nay đọc Lý Văn Sâm sẽ có cái hạnh phúc như đang được sống với một vùng đất hết sức phong phú về cảnh vật, con người cùng với những nền tảng lịch sử,văn hoá có chiều sâu nhân văn. 

Đặc thù thứ hai của Lý Văn Sâm là chững câu chuyện tình yêu. Cảnh đường rừng, hay cảnh biển đảo; cảnh sông nước, làng quê  hay cảnh chiến đấu; trong nước hay ở Cambuchia, Hương Cảng; dã sử hay hiện sử, trinh thám hay viễn tưởng… chỉ là cái phông nền cho câu chuyện tình, làm phong phú màu sắc tình yêu và thể hiện giá trị nhân văn của ngòi bút Lý Văn Sâm. Cốt lõi vẫn là câu chuyện tình được viết bằng bút pháp lãng mạn. Chiếc Vòng Ngọc Thạch là một chuyện tình bi kịch (kiểu như Ơ Đip Làm Vua). Ngăn Rạch Bắt Sấu là một truyện tình nghĩa có màu sắc lạ. Sương Gió Biên Thuỳ là chuyện tình của Rosée và Phong, hai con người thuộc hai chiến tuyến khác nhau. Chớp bể Mưa Nguồn là chuyện tình của người chiến bại. Sứ Mạng là chuyện tình cuả hai kẻ yêu nhau, vì sứ mạng mà chia lià nhau. Đìu Hiu Lau Lách là chuyện tình buồn của người chiến sĩ hy sinh. Gió Bãi Trăng Ngàn là chuyện tình buồn trong cảnh tù tội. Sóng Vỗ Xa Bờ là chuyện tình kháng chiến. Kiếp Này Thôi Đã Lỡ là chuyện tình trinh thám. Đường Vào Xứ Phật là chuyện tình thù mà cửa Thiền không hoá giải được. Một Ngày Vui là một bi kịch, yêu người chiến sĩ nhưng lại lấy kẻ thù. Vàng là chuyện ngoại tình cuả bà Huyện làm gia đình tan nát, án mạng, và con vào tù. Vợ Tôi Người Dân Tộc Thiểu Số là chuyện tình cuả tác giả. Nước Lên, Chuyện Ấy Đã Qua Rồi là những chuyện tình đẹp, mang màu sắc của chủ nghiã anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nếu so sánh với những chuyện tình yêu cuả văn chương Lãng Mạn 1930-1945, người đọc sẽ nhận ra ngay sự khác biệt của Lý Văn Sâm. Truyện tình của Tự Lực Văn Đoàn có màu sắc chống phong kiến, tuyên truyền chủ nghiã cá nhân, có cả những khuynh hướng suy đồi. Lý Văn Sâm miêu tả chuyện tình yêu trên bối cảnh của cuộc chiến đấu, đa số là chuyện tình buồn của người chiến sĩ chiến bại. Lưá đôi yêu nhau tha thiết nhưng không sao giữ được tình yêu. Dù lâm vào tình cảnh bi thương, tình yêu được Lý Văn Sâm miêu tả vẫn là tình yêu thuỷ chung. KònTrô vì thuỷ chung mà hy sinh. Hoàng tử Prakeo Tha và nàng  Préa Chamleng vì thuỷ chung mà lâm vào bi kịch (Chiếc Vòng Ngọc Thạch). Rosée và Phong yêu nhau trong cách trở của hai dân tộc nhưng họ vẫn hy vọng một ngày hai dân tộc hiểu biết nhau (Sương Gió Biên Thuỳ). Nàng Tchô Phay vì yêu Tôi mà bị xúc phạm, bỏ vào rừng và chết ở đó (Vợ Tôi Người Dân Tộc Thiểu Số). Chuyện tình trong Nước LênChuyện Ấy Đã Qua Rồi được viết bằng bút pháp hiện thực, nhưng vẻ đẹp của tình yêu cũng đầy lãng mạn. Đó là sự hy sinh cho người yêu, là chấp nhận những hiểm nguy và cả cái chết để bảo vệ người yêu

Lý Văn Sâm đã khai thác được khá phong phú những cuộc tình ở nhiều kiểu nhân vật, những tình cảnh khác nhau, những tình huống bất ngờ trong tình yêu. Có tình yêu gắn với lý tưởng (Nửa mảnh Ngân Tiên, Trời Như Muốn Sáng), có tình thù (Đường Vào Xứ Phật, Một Chuyện Oan Cừu), tình lầm lỡ (Qua Bến Lạnh), tình phôi phai (Vợ Tôi Người dân Tộc Thiểu Số). Tình yêu trong ngục tù (Gió Bãi Trăng Ngàn), tình yêu trên chiến tuyến (Sứ Mạng, Chuyện Ấy Đã Qua Rồi), tình yêu bi kịch (Chiếc Vòng Ngọc Thạch, Vực Thẳm)…Âm sắc chủ đạo trong chuyện tình cuả Lý Văn Sâm là tình yêu quê hương đất nước, khát vọng tự do và thấp thoáng, về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta

Đặc thù nghệ thuật thứ ba cuả văn chương Lý Văn Sâm là kiểu nhân vật. Hành trình viết văn của Lý Văn Sâm là hành trình đi tìm nhân vật lý tưởng.

 Những nhân vật lý tưởng đầu tiên cuả Lý Văn Sâm là KònTrô và Châu Phiên. Lý Văn Sâm mơ ước một xã hội tốt đẹp. Nhân vật cuả ông tự mình xây dựng nên thế giới ấy. Đây là thế giới của KòTrô : “Một thế giới riêng phóng khoáng, xa hẳn gió bụi chốn thành thị;“Ở đây không có sự phản bội, không có sự man trá, không có sự ghen tỵ, nó làm cho người ta phải cực lòng lo nghĩ về nhau. Tâm hồn họ đã hoà chung cùng cỏ cây hoang dại “(Kòn Trô). Lý Văn Sâm ca ngợi Châu Phiên như một người anh hùng, sống một cõi riêng, cứu độ dân trong mọi hoàn cảnh, được dân tôn thờ như thần thánh. Người dân Mỹ Trà yên tâm làm ăn vì “họ tin tưởng trên đầu họ đã có Châu Phiên, vị thần linh sẽ luôn che chở và phù trợc cho họ được sống yên ổn”(Rồng Bay Trên Nóc Gia Nhang). Tất nhiên cả KònTrô và Châu Phiên chưa hề có ý thức xã hội và Lý Văn Sâm cũng chưa định xây dựng một xã hội theo quan điểm cuả Chủ Nghiả Marx. Nhân vật vì thế thiếu ánh sáng lý tưởng, nhân vật chưa thành kiểu nhân vật tư tưởng. Khi Lý Văn Sâm để cho KònTrô chết oan mạng vì tình, người đọc hụt hẫng, nhân vật lý tưởng cuả ông sụp đổ. 

Kiểu nhân vật lý tưởng thứ hai của Lý Văn Sâm là người chiến sĩ chiến bại. Nhân vật này mang dáng dấp Kinh Kha, ra đi vì nghiã lớn, phiêu bạt chân trời góc bể, đau đáu vì lý tưởng, chiến bại và hy sinh, để lại bao tiếc thương cho người thân, cho đồng đội. Tuy nhiên tác giả không miêu tả trực tiếp cuộc chiến đấu của họ, chỉ mơ hồ cho biết họ đi chiến đấu vì non sông đất nước và thất bại. Đó cũng là kiểu nhân vật của bút pháp Lãng mạn, thấp thoáng những chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật. Chưa nhân vật nào thực sự để lại ấn tượng là nhân vật anh hùng cuả thời đại, như kiểu nhân vật anh hùng cuả văn học kháng chiến chống Pháp (anh hùng Núp trong Đất Nước Đứng Lên). Cả Tiễn dành mũi tên cuối cùng của đời mình cho tổ quốc, chấp nhận mù mắt khi bắn tên lính Ấn-Anh , phạm vào Mũi Tổ. Người chiến sĩ chấp nhận chết khô treo trên cầu khi cứu người đồng bào (Tiếng Rên Trong Rừng Lạnh ). Đờn Chìn-Kha-LaNgày Ra Đi, Tàn Một Mùa Ve là những khúc bi ca hùng tráng khóc thương người chiến sĩ hy sinh. Những truyện dã sử ngụ ngôn (mượn xưa nói nay) như Người Đi Không Về, Nửa Mảnh Ngân Tiên đều ca ngợi người tráng sĩ hy sinh vì nghiã lớn. 

Kiểu nhân vật chiến bại đã từng xuất hiện trước đó. Từ Hải trong Đoạn Trường Tân Thanh chết đứng giữa trận tiền (KònTrô mang dáng dấp này). Các nghiã sĩ Cần Giuộc trong Văn Tế Nghiã Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiều là hình tượng bi tráng của người anh hùng chiến bại. Hình tượng Phan Bội Châu trong Những Trò Lố (hay VaRen và Phan Bội Châu) của Nguyễn Ái Quốc, là hình tượng người anh hùng, tuy trong vòng vây kẻ thù, nhưng là người chiến thắng. Nhân vật chiến sĩ cách mạng trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn cũng là kiểu nhân vật chiến bại. Họ cũng bí mật, cũng xuất dương, cũng vượt ngục. Nhưng mục đích cách mạng thế nào thì mơ hồ “Lần này nhảy ra cũng là nhảy ra chỗ mờ mờ không biết rõ.Nhưng cần gì, đời là thế, mình có khi cũng phải liều chơi”(Đôi bạn ). Nhân vật kẻ chiến bại ,“anh hùng thất chí” của Lý Văn Sâm mang dáng dấp của tất cả các nhân đã có trước, chỉ khác ở bối cảnh hoạt động. Họ được miêu tả bằng bút pháp lãng mạn, không rõ ràng về hành động đấu tranh, không rõ ràng về lý tưởng, chỉ thấp thoáng “chí lớn “ ,”cầm súng chiến đấu vì sự sống còn của đất nước, vì chánh nghĩa”, “Tráng sĩ nhất khứ. Ngày mai là ngày lịch sử. Ngày mai của dân tộc”” Ra đi lần này vì một sứ mạng tối thiêng liêng”Nhưng người đọc không biết rõ đó là sứ mạng gì. Trong Sứ MạngTiếng Rên Trong Rừng Lạnh, những “người ra đi vì sứ mạng” chỉ được nói đến mơ hồ. Tuy vậy nhân vật cuả Lý Văn Sâm có hình hài hơn nhân vật người chiến sĩ cách mạng của Tự Lực Văn Đoàn ở một đôi chỗ được miêu tả cụ thể trong Ngày Ra Đi, Tàn Một Muà Ve, Đờn Chì-kha-la. Ở kiểu nhân vật này, ngòi bút của LVS còn hạn chế.  Lý Văn Sâm không khắc hoạ được hình tượng người anh hùng của thời đại kháng chiến chống Pháp. Nó chỉ là yếu tố phụ trong tác phẩm bên cạnh cốt truyện tình yêu, đồng thời nó ghi đậm tính chất lãng mạn của ngòi bút Lý Văn Sâm, vì thế nó không phải là nhân vật lý tưởng đích thực của văn chương Lý Văn Sâm. 

Ngoài ra cũng cần kể đến kiểu nhân vật người trí thức bế tắc, quẩn quanh, bị gia đình vợ con trói buộc, đành đánh mất lý tưởng, mất cả bạn bè, và bế tắc không biết về đâu (Mẩu Tâm Tình Của Một Cây Bút, tàn Một Muà Thơ,Thèm Một Ngọn Đèn, Ngàn Sau Sông Dịch Mưa sài Gòn). Kiểu nhân vật này phản ánh phần nào tình cảnh cầm bút của Lý Văn Sâm ở Sàigòn. Về mặt nghệ thuật, Lý Văn Sâm không vượt qua được Nam Cao ở kiểu nhân vật này. 

Lý Văn Sâm cũng có nhân vật người anh hùng của chủ nghiã anh hùng cách mạng. Đó là Thuỷ Tiên và bác Bảy Hội, đồng chí Ba Bửu trong Chuyện Ấy Đã Qua Rồi’; cô Sáu, bác Năm trong Chuyện Người Thổi Sáo Ở Bến Xuân. Họ là quần chúng cách mạng, trung kiên với Đảng, kiên cường bất khuầt trước kẻ thù. Họ bị bắt, bị tra tấn và hy sinh trong tư thế chiến thắng. Ngòi bút cuả Lý Văn Sâm là ngòi bút hiện thực, tình cảm của Lý Văn Sâm với nhân vật là tình cảm thực của tình đồng chí chiến đấu. Lý Văn Sâm đã tìm thấy nhân vật người anh hùng thực sự cho tác phẩm của mình. Rất tiếc Lý Văn Sâm lại viết quá ít tác phẩm ở kiểu nhân vật này, và chưa nhân vật nào đạt được tầm vóc điển hình.                                                                                                                                                                                  

Có thể nhận thấy rõ không kiểu nhân vật nào thực sự là nhân vật lý tưởng như khát vọng của Lý Văn Sâm. Và vì thế để khẳng định tính chất riêng của ngòi bút Lý Văn Sâm, người đọc sẽ rất băn khoăn. KònTrôChâu Phiên chỉ là nhân vật của ước mơ. Nhân vật kẻ chiến bại không phải là kiểu nhân vật tích cực. Nhân vật cuả chủ nghiã anh hùng cách mạng thì chưa đạt được mức độ điển hình. 

3. Tư tưởng là phần cốt lõi của tác phẩm văn chương, nó làm nên giá trị lâu bền cho văn chương. Tiến trình tư tưởng thẩm mỹ của Lý Văn Sâm thể hiện trong văn chương như thế nào?

Ở thời kỳ đầu, Lý Văn Sâm thể hiện một khát vọng tự do, khát vọng một thế giới mới, khác với xã hội phong kiến, tách biệt với thế giới văn minh hiện đại. KònTrô và Châu Phiên là những người anh hùng một mình một cõi. Tư tưởng này chỉ có tính chất cảm tính vì thiếu ý thức xã hôi.

Khi tô đậm con người chiến bại, con người phiêu bạt góc bể chân trời, con người “tráng sĩ nhất khứ hề”và sử dụng bút pháp lãng mạn, Lý Văn Sâm tỏ ra còn chịu ảnh hưởng của tính chất tiểu tư sản của văn học Lãng mạn 1930-1945. Lý Văn Sâm chưa phải là nhà văn chiến sĩ, nhà văn của nhân dân thuộc thế hệ nhà văn sau 1945

Phải đợi đến tác phẩm Vợ Tôi Người Dân Tộc Thiểu Số, người đọc mới thấy xuất hiện những tư tưởng cách mạng của chủ nghiã Marx về xã hội và văn học. Và trên lập trường này, Lý Văn Sâm đánh giá văn chương của mình. Nhân vật Phong trong truyện nhận xét :”Thiên hạ khen mày viết hay. Tiểu thuyết mày bán chạy. Mầy nổi tiếng trong làng văn. Nhưng tao nói thẳng mầy đừng giận. Tao coi sự nghiệp viết tiểu thuyết của mầy không có gì hết. Mầy thiếu căn bản tư tưởng..Mày xây dựng những điển hình xa thực tế. Nhân vật mầy không có lối thoát. Những nhân vật đó không tìm ra lối thoát bởi vì chính người đẻ ra nó cũng bí lối…Mầy muốn làm văn hay, phải hoà mình vào thực tế xã hội. Phải tạo cho mình và người đọc những quan niệm mới về nhân sinh. Ngồi không, tưởng tượng viễn vông, làm sao có được những sáng tác phẩm hợp với cảm quan của một xã hội đang rầm rộ tiến lên theo lịch sử”(4).

Đúng là hạn chế cơ bản của ngòi bút Lý Văn Sâm là thiếu căn bản tư tưởng”và nhân vật cuả ông là những điển hình xa thực tế vì nó được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Thực ra căn bản tư tưởng cuả Lý Văn Sâm là ý thức độc lập tự do, là tinh thần yêu nước, yêu quê hương cháy bỏng, là niềm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp hơn. Ông viết:”Khi nước nhà được độc lập và xã hội Việt Nam được đứng trong chế độ mới thì đời sống của mọi tầng lớp dân chúng tự nhiên phải thay đổi hắn “(Sóng Vỗ Xa Bờ). Tình cảm nhân đạo cũng là một mạch tư tưởng xuyên suốt các tác phẩm của Lý Văn Sâm. Ông nặng lòng với những con người đau khổ, với đồng bào, với quần chúng. Tuy nhiên tư tưởng của Lý Văn Sâm không được thể hiện công khai. Điều này có thể lý giải. Ông viết ở Sàigòn, trong tai mắt của kẻ địch, chỉ một sơ hở là bị địch bắt ngay. Vì Truyện Chuông Rung Trên Tháp Đổ cùng với “lý lịch” dân kháng chiến cũ, ông bị địch bắt tạm giam tại “Trung tâm chính Huấn” của chế độ Sài gòn từ 12/1955 đến 12/1956. Vì thế ông không thể viết theo phương pháp Tả Thực Xã Hội Chủ Nghiã như những nhà văn kháng chiến. Ngòi bút Lý Văn Sâm “bế tắc” ở chỗ  không tìm ra được một kiểu nhân vật, một cách viết phù hợp để thể hiện tư tưởng cách mạng của mình trong hoàn cảnh ông sống giữa lòng địch. Ở những tác phẩm viết sau này (Chuyện Ấy Đã Qua Rồi, Chuyện Người Thổi Sáo Ở Bến Xuân) Lý Văn Sâm đã hội nhập được với văn học Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa

4. Ngôn ngữ văn chương của Lý Văn Sâm có khả năng gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Ngôn ngữ ấy có những phẩm chất riêng của một cá tính sáng tạo độc đáo. Đó là loại ngôn ngữ tài hoa, tinh ròng, giàu chất nhạc, giàu chất thơ, kiểu diễn đạt của văn xuôi lãng mạn có pha đôi chút cổ điển. Những đoạn tả thiên nhiên của Lý Văn Sâm thật đặc sắc, dù là một đoạn dài tả cảnh hay chỉ vài nét phác thảo. Lý Văn Sâm vẫn mang đến những mỹ cảm thú vị cho người đọc (5). Lý Văn Sâm có những hình ảnh so sánh thật tài năng, mới lạ mà ngay cả trong thơ cũng ít người có đựợc (6).  Mạch văn nhanh, mạch kể nhanh. Câu văn sắc. Có những đoạn ru êm, có những đoạn dữ dội, những cảnh thực sống động (7). Lý Văn Sâm giữ khá bí mật cốt truyện tạo được độ căng hấp dẫn đến cuối truyện (8). Lý Văn Sâm thường đứng ở góc độ khách quan để tường thuật. Ông hay sử dụng kiểu nhân vật phiếm chỉ (9). Ông cũng viết thành công những đoạn tuỳ bút trong truyện, nhờ đó chủ đề, tư tưởng và tình cảm trong tác phẩm được tô đậm lên. Đôi khi văn ông chịu ảnh hưởng cách viết cách điệu của Cải Lương (10)

6. Những đặc điểm nội dung, tư tưởng và nghệ thuật trên làm ánh lên  điều gì về phong cách nhà văn Lý Văn Sâm ? đặc điểm nào là đặc điểm phong cách nghệ thuật độc đáo? Theo tôi đó là tính chất tài hoa của ngỏi bút Lý Văn Sâm. Lý Văn Sâm là nhà văn tài hoa của miền đất Đồng Nai. Chúng ta cũng biết rằng văn chương Việt Nam có không nhiều những nhà văn tài hoa. Lý Văn Sâm là một đoá hoa quý cuả đất này mà văn nghệ Đồng Nai không dễ có được. Đóa hoa quý ấy lại mọc trên đất khổ giữa Sàigòn trong cuộc vây ráp quyết liệt của kẻ thù, đó mới là điều lạ lùng. Lý Văn Sâm tài hoa ở câu văn, tài hoa ở nghệ thuật kể chuyện. Ông có nhiều nhân vật tài hoa kiểu “tráng sĩ-nghệ sĩ “, người tù thi sĩ. Chuyện tình của ông phong phú cả ở đề tài, nội dung, tình cảnh và màu sắc thẩm mỹ. Về sâu xa, tất cả truyện cuả Lý Văn Sâm đều là chuyện tình. Chuyện tình yêu lứa đôi, chuyện tình của lòng ông với quê hương đất nước, với đồng bào, với lý tưởng. Và sau cùng, truyện nào của ông cũng đọng lại cái đẹp nơi người đọc, cái đẹp đa sắc màu.

 

Chú thích

(1).Xem: http://namkyluctinh.org/a-tgtpham/nvsam/vchtranhdau/nvsam-lyvansam.pdf

      Xem Bùi Quang Huy: Lý Văn Sâm- Một Chỗ Đứng Riêng Trên Văn Đàn;       

                                           Lý Văn Sâm – người thổi sáo ở Bến Xuân (tuyển tập Lý Văn Sâm)

(2) Vũ Tùng, http://ngoisaoblog.com/m.php?u=vutung&p=62002

(3) Thạch Phương, lời giới thiệu Ngàn Sau Sông Dịch, nxb Trẻ 1988

(4) tr. 45 Tập truyện ngắn. Nxb Tổng Hợp ĐN 2008

(5) đọc Ngày Ra Đi, Tàn Một Muà Ve, Sau Dãy Trường Sơn, tr.72 …

(6) “mặt trăng sáng như cái mâm thau chùi bóng (Vợ Tôi Người dân Tộc Thiểu Số )

     “Anh chết thật rồi sao? Tôi không tin như thế! Mắt anh he hé như ánh tà dương còn nuối một chân trời đã khép. Vẻ mặt anh điềm đạm như người vô sự, gối lên sự đời và kéo dài giấc ngủ…; Dưới chân nàng, loài phượng vĩ trải ra như những giọt máu đã đông lại ở những miền biên khu ngập nắng… sau lưng tôi, tiêng ve bỗng nghe hung hồn như kèn thúc trận…; Hoa soan lốm đốm đỏ điểm hồng hông núi. Hồn cỏ run run như hồn nước đang run lên vì ngập trời phong tỏa…; Quanh anh, lá rụng như những trang sử đang xây cao nấm mồ danh dự “(Tàn Một Muà Ve)

(7) Đọc: LVS tả cái chết của KònTrô, Nắng Bên Kia Làng (đoạn kết ), Vực Thẳm, Xác MuMi Trên Núi Đá,

      Nước Lên (phần I)

(8) KònTrô, Chiếc Vòng Ngọc Thạch, Rồng Bay Trên Nóc Gia Nhang, Vực Thẳm, Một Chuyện Oan Cừu

(9) Đọc: Kiếp Này Thôi Đã Lỡ, “có hai người viễn khách” (Thần Ngư Động ), “Có hai vợ chồng trẻ “   (đoạn kết KònTrô)

(10) Cỏ Mọn Hoa Hèn, tr.47, 62

(11)Tiểu sử: Trước cách mạng tháng 8.1945 LVS làm nghề lâm sản và viết báo, viết văn ở Sài Gòn. Tham gia CM năm 1945, làm cán bộ tuyên truyền tỉnh Biên Hòa. Năm 1946 bị địch bắt quản thúc tại xã Bình Phước (Biên Hoà). Từ 1947, hoạt động báo chí công khai trong phong trào báo chí thống nhất ở Sài Gòn. 1950 ra bưng biền, công tác trong ngành  công an, thuộc đặc khu Sàigòn-Chợ Lớn. 1954 trở lại hoạt động báo chí và văn nghệ trong phong trào đòi dân sinh dân chủ, đòi thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Giơnevơ. Ông bị địch bắt tạm giam tại “Trung tâm chính Huấn” của Mỹ Diệm từ 12/1955 đến 12/1956. Cuối năm 1946 ông tham gia phá trại giam Biên Hoà, vượt ngục ra vùng giải phóng tiếp tục hoạt động cách mạng. Bắt đầu tham gia bộ đội làm công tác văn nghệ.1959 làm ở Ban Tuyên Huấn Trung Ương Cục Miền Nam.Tổng thư ký Hội Văn Nghệ Giải Phóng, Vụ Trưởng Vụ Nghệ Thuật thuộc Bộ Văn Hoá Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, Phó Tổng thư ký Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 3, đại biểu quốc hội khóa 6, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Đồng Nai ( Tiểu sữ LVS trong tập Ngàn Sau Sông Dịch.NXB Trẻ .1988).

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 14-1-17